Ngày 31/12/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND thực hiện chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên năm 2025.
Theo đó, Kế hoạch nêu rõ mục tiêu tổng quát như sau: Tập trung vào thực hiện hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025 theo Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Tỉnh ủy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao các chỉ số cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh.
Về mục tiêu cụ thể
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xây dựng Chính quyền số, Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên.
- Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nền tảng số: 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã kết nối, sử dụng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước; xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các ngành, lĩnh vực.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước: 100% văn bản điện tử gửi, nhận trên môi trường mạng được ký số đầy đủ theo quy định (trừ văn bản mật thuộc phạm vi bí mật nhà nước); tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước) tại cấp tỉnh đạt 90%, cấp huyện đạt 80%, cấp xã đạt 60%; 100% công tác báo cáo, các chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh (không bao gồm nội dung mật) được tạo lập, cập nhật, lưu giữ, trên hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh; số hóa, xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung, chuyên ngành kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu quốc gia bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thực hiện cung cấp đầy đủ 130 loại dữ liệu mở của các cơ quan nhà nước; 50% cuộc giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý được thực hiện qua môi trường mạng (bằng hình thức báo cáo và trực tiếp trên các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh).
- Cung cấp thông tin, dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp: Thực hiện chuẩn hóa, đơn giản hóa quy trình đối với 100% các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh để cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đảm bảo đồng bộ danh mục thủ tục hành chính với cổng Dịch vụ công quốc gia; cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trung bình đạt tỷ lệ 90% thủ tục hành chính có đủ điều kiện. Trong đó, đối với các sở, ngành đạt tỷ lệ trung bình tối thiểu 80%; các địa phương đạt tỷ lệ trung bình tối thiểu 95%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết bằng hình thức trực tuyến toàn trình đạt từ 65% trở lên (đối với các thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến toàn trình); tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; tỷ lệ người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất giữa các nền tảng, hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thông qua định danh điện tử VNeID đạt 100%; 100% cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử có quy định trả kết quả giải quyết bằng văn bản; số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%; 60% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước tỉnh Hưng Yên cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
- Đẩy mạnh phát triển nền tảng số: Thực hiện xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng của các ngành; thực hiện chia sẻ, kết nối với các cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành qua trục LGSP của tỉnh và NDXP quốc gia.
- Phát triển kinh tế số, xã hội số: Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; 100% trung tâm thương mại trên trên địa bàn tỉnh; 80% cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, bán lẻ hàng hóa tại các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền để chống thất thu thuế, thất thu ngân sách; tỷ lệ dân số trưởng thành được cấp chứng thư chữ ký số, chứng thư chữ ký điện tử đạt trên 50%; 100% các thôn, xóm đang lõm sóng được phủ sóng băng rộng di động; 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận dịch vụ Internet cáp quang băng rộng; tỷ lệ triển khai học bạ số đối với học sinh đạt 100%; tỷ lệ các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID đạt 100%; tỷ lệ các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ hồ sơ tư liệu các di sản văn hóa Việt Nam đã được ghi danh, công nhận và xếp hạng được số hóa, hiện diện trên môi trường số đạt tỷ lệ 100%.
- Đảm bảo an toàn thông tin, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo, tập huấn và tuyên truyền: 100% hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị trước khi đưa vào sử dụng phải xây dựng hồ sơ đề xuất cấp độ và triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ;100% các hệ thống thông tin cấp độ 3 của tỉnh được giám sát, cảnh bảo về an toàn thông tin; 30% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số cơ bản.
Nội dung chi tiết tại Kế hoạch số 200/KH-UBND.